GIỚI THIỆU NGÀNH KIỂM TOÁN

GIỚI THIỆU NGÀNH KIỂM TOÁN

Ngành kiểm toán ở nước ta cho đến thời điểm này đã có hơn 25 năm hình thành và phát triển, đóng góp một cách trực tiếp và gián tiếp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Từ năm 2016, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với sự ảnh hưởng sâu rộng của các hiệp định thương mại song và đa phương TPP, AEC mở rộng cơ hội việc làm cho ngành nghề kiểm toán. Thành tựu của cuộc CMCN 4.0 với hệ thống mạng không dây, dữ liệu số hóa giúp công việc kiểm toán không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Kiểm toán viên tại Việt Nam có thể thực hiện công việc kiểm toán ở bất cứ đất nước nào trên toàn thế giới.

Ở Việt Nam có khá nhiều công ty kiểm toán được thành lập với khoảng 35 trụ sở văn phòng hoạt động trên toàn quốc, 5 công ty đầu tư 100% vốn nước ngoài, 2 công ty liên doanh và nhiều công ty khác của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến các công ty kiểm toán top đầu như Big4, công ty Kiểm toán An Việt, hãng Kiểm toán AASC,... Trong 10 năm tới, Bộ Tài Chính đề ra mục tiêu tăng số lượng công ty kiểm toán lên 100 công ty với 20.000 kiểm toán viên. Và với mức lương tốt cùng những cơ hội phát triển trong nghề, kiểm toán vẫn là một trong những ngành thu hút sinh viên kinh tế nhất hiện nay.

Kiểm toán là một dịch vụ chuyên nghiệp rất cần thiết đối với sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Kiểm toán bắt nguồn từ thuật ngữ “Audit” trong tiếng Latin, có nghĩa là “người nghe”. Ra đời đầu tiên ở La Mã, vào thế kỷ III TCN. Thời đó, các nhà cầm quyền đã tuyển dụng các quan chức có chuyên môn và độc lập để kiểm tra các báo cáo của người quản lý về tình hình tài sản của họ và đưa ra ý kiến chấp nhận hoặc yêu cầu sửa đổi các báo cáo này. Công việc của kiểm toán viên là phát hiện các nhầm lẫn và gian lận trong hoạt động kinh doanh, cung cấp cho khách hàng được kiểm toán thông tin tài chính trung thực, hợp lý và có độ tin cậy. Từ đó, giúp các đơn vị, tổ chức, cá nhân đạt được hiệu quả kinh doanh thông qua những quyết định đúng đắn của nhà quản lý. Kiểm toán cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau như: Kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán nội bộ, kiểm toán đấu thầu, tư vấn nâng cao năng lực quản lý tài chính, tư vấn thuế, tư vấn kế toán,…cho các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp FDI, dự án ODA, quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng và các cơ quan Nhà nước.

Công việc kiểm toán tạo ra cơ hội hợp tác với rất nhiều đơn vị, tổ chức với những loại hình khác nhau và đem lại mức thu nhập không nhỏ. Song, công việc đòi hỏi người kiểm toán viên luôn thận trọng, tuân thủ qui định, có óc quan sát, tư duy phân tích tốt, giỏi tính toán, yêu thích những con số, có khả năng sáng tạo linh hoạt trong các tình huống khác nhau và chuyên môn về kiểm toán vững vàng là ưu tiên hàng đầu. Đào tạo kiểm toán được phân chia theo hai hướng cơ bản: đào tạo nghề nghiệp và đào tạo hàn lâm. Bên cạnh đó, một xu hướng đang phát triển là đào tạo hỗn hợp giữa hai hướng trên và đó là định hướng đào tạo mà Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã và đang thực hiện. Với đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên ngành kiểm toán của trường có trình độ chuyên môn cao, 100% giảng viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên (trong đó, trên 20% giảng viên có trình độ Tiến sĩ) chuyên môn cao, tâm huyết với nghề. Đồng thời, hệ thống phòng học, phòng thực hành được trang bị đầy đủ thiết bị giảng dạy và học tập hiện đại cùng công tác đào tạo chuyên nghiệp. Sinh viên theo học ngành kiểm toán tại trường sẽ được đào tạo toàn diện không chỉ về chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng sống.

Về chuyên môn: Chương trình đào tạo đại học kiểm toán của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được xây dựng theo mô hình CDIO chuẩn quốc tế (theo hướng phát triển những năng lực trụ cột cho người tốt nghiệp: Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) và Vận hành (Operate)). Vì vậy, sinh viên chuyên ngành kiểm toán sẽ có cơ hội lĩnh hội kiến thức và cơ hội trải nghiệm thực tiễn thông qua các hoạt động học tập, thảo luận trên lớp; thực hiện lập kế hoạch kiểm toán, tiến hành kiểm toán các phần hành, lập báo cáo kiểm toán trên phòng máy; thăm quan thực tế công ty kiểm toán; tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán cùng những kiểm toán viên chuyên nghiệp; thực hiện các đề tài khoa học về lĩnh vực kiểm toán với sự hỗ trợ của Thầy/Cô và có cơ hội nghề nghiệp khi tham dự ngày hội việc làm của các công ty kiểm toán nổi tiếng được tổ chức tại trường.

Về kỹ năng, với những trải nghiệm đa dạng tại các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ nghệ thuật, câu lạc bộ tình nguyện,…sẽ giúp sinh viên có những trải nghiệm thú vị; có cơ hội giao lưu, trau dồi kiến thức chuyên môn; phát triển kỹ năng giao tiếp; hoạt động một hoặc nhiều nhóm hiệu quả; sắp xếp quỹ thời gian của bản thân linh hoạt;… Thể chất, tinh thần vui vẻ cộng với đam mê sẽ là cơ sở vững chắc để theo đuổi ước mơ.

  • Thứ Hai, 08:19 01/10/2018

Tags: